Bộ trưởng Công Thương: Biểu giá điện mới sẽ giảm bù chéo
Biểu giá bán lẻ điện dự kiến còn 5 bậc thay vì 6, giá cho các nhóm được điều chỉnh để giảm tình trạng hộ gia đình phải bù chéo cho sản xuất kinh doanh.
Sáng 21/8, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên trả lời chất vấn tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa 15.
Ông Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, trong đó tiền điện sinh hoạt tính theo 6 bậc thang hiện nay chưa phù hợp thực tế tiêu dùng của người dân. Chẳng hạn, mức sử dụng bậc 1 (0-50 kWh) là quá thấp. "Bộ Công Thương có giải pháp sửa biểu giá điện thế nào để phù hợp hơn?", ông hỏi, thêm rằng có thể xem xét miễn thuế VAT 10% với hóa đơn tiền điện, để hỗ trợ người dân, nhất là hộ nghèo hay không.
Ông Phạm Văn Hòa, đại biểu tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội
Trả lời đại biểu Hòa, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên nói biểu giá điện bậc thang là mô hình phổ biến, nhiều quốc gia sử dụng, bởi khuyến khích các khách hàng sử dụng điện tiết kiệm. Theo Quyết định 28/2014 của Thủ tướng, biểu giá điện bán lẻ gồm 6 bậc. Tuy nhiên, biểu giá này bộc lộ bất cập nên thời gian qua Bộ đã nghiên cứu, sửa đổi.
Ông Diên thông tin, Bộ Công Thương vừa trình Chính phủ dự thảo quyết định sửa đổi Quyết định 28. Trong đó, cách tính tiền điện sinh hoạt được rút xuống còn 5 bậc, thay vì 6 bậc như hiện hành. Bậc rẻ nhất tính cho hộ gia đình dùng dưới 100 kWh thay vì 50 kWh hiện nay để hỗ trợ người nghèo. Còn cao nhất (bậc 5) từ 701 kWh trở lên.
Ngoài rút gọn số bậc thang, ở lần chỉnh sửa này, giá điện cho từng bậc cũng được thiết kế lại theo nguyên tắc hạn chế tối đa tác động tới các hộ sử dụng điện. Giá cho nhóm khách hàng (sản xuất, kinh doanh, dịch vụ...) cũng được điều chỉnh. "Việc này nhằm dần xóa khoảng cách bất hợp lý, bù chéo giữa các đối tượng sử dụng điện", Bộ trưởng Công Thương nói.
Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên trả lời chất vấn tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ngày 21/8. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội
Trước đó, tại bản thảo Bộ Công Thương đưa ra cuối năm ngoái, khoảng cách giữa các bậc cũng được phân chia lại, phù hợp thực tế dùng điện của người dân và giá ở bậc cao nhất (701 kWh trở lên) trên 3.600 đồng một kWh (chưa gồm thuế VAT). Mức chênh bậc 1 và 5 là hai lần, nhằm phù hợp với xu thế chung của thế giới và khuyến khích dùng điện tiết kiệm, hiệu quả.
Bậc | Biểu giá hiện hành | Phương án đề xuất sửa (theo dự thảo tháng 11/2023) | ||
Mức sử dụng | Giá (*) | Mức sử dụng | Giá | |
1 | 0-50 kWh | 1.806 | 0-100 kWh | 1.806 |
2 | 51-100 kWh | 1.866 | 101-200 kWh | 2.167 |
3 | 101-200 kWh | 2.167 | 201-400 kWh | 2.729 |
4 | 201-300 kWh | 2.729 | 401-700 kWh | 3.250 |
5 | 301-400 kWh | 3.050 | 701 kWh trở lên | 3.612 |
401 kWh trở lên | 3.151 |
(*) Giá chưa bao gồm thuế VAT
Thực tế, theo cơ cấu biểu giá bán lẻ điện hiện nay, có thời điểm điện cho sản xuất bằng 52% giá bình quân, trong khi giá với hộ nghèo chính sách, ưu đãi lớn nhất cũng bằng 90% giá này. Tức là, giá điện sinh hoạt của người dân chi trả cao hơn điện bán sản xuất của doanh nghiệp và người dùng nhiều bù cho dùng ít. Trong khi đó, Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị đưa ra định hướng không thực hiện bù chéo giá điện giữa các nhóm khách hàng, vùng miền.
Tại dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) được Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến hôm 19/8, đã bổ sung quy định để giảm bù chéo trong cơ cấu giá bán lẻ điện. Cơ chế giá điện cũng được áp dụng phù hợp với các nhóm khách hàng có mức tiêu thụ điện lớn.
Tuy vậy, thẩm tra dự thảo luật, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và môi trường cho rằng các quy định về giảm bù chéo này chưa được thể hiện cụ thể. Cơ quan thẩm tra đề nghị dự thảo luật cần đưa ra nguyên tắc, lộ trình rõ ràng hơn về xóa bỏ bù giá chéo giữa các nhóm khách hàng, đảm bảo bình đẳng xã hội.
Cũng liên quan tới giá điện, đại biểu Huỳnh Thanh Phương nhận xét điều hành giá điện vừa qua có nhiều bất cập và đây là một trong những nguyên nhân quan trọng gây thua lỗ cho ngành điện khoảng 47.500 tỷ đồng trong hai năm qua. Ông Phương đề nghị Bộ trưởng Công Thương cho biết giải pháp điều hành giá điện tới đây thế nào, tránh thua lỗ kéo dài cho ngành điện.
Đáp lại, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói "không có chuyện điều hành giá điện bất cập". Ông cho hay, ở góc độ quản lý Nhà nước, Bộ Công thương thực hiện 3 chức năng là quy hoạch, kế hoạch; cơ chế chính sách và thanh tra, kiểm tra. "Trong tham mưu xây dựng cơ chế, nhất là chính sách giá điện vừa qua, chúng tôi tuân thủ đúng quy định pháp luật, như Luật Điện lực và Luật Giá", ông nói.
Điện là một trong số mặt hàng phải bảo đảm bình ổn giá. Tuy nhiên, hiện các chi phí đầu vào cho sản xuất điện theo thị trường, tức là các nguyên liệu như than, dầu, khí... được EVN mua từ các đơn vị cung ứng theo giá thị trường. Nhưng đầu ra - giá bán lẻ điện - phải bình ổn giá, tránh ảnh hưởng tới đời sống người dân, sản xuất.
"Có thời điểm chênh lệch chi phí đầu vào và giá bán ra của EVN khoảng 208-216 đồng một kWh", ông Diên nói.
Bộ trưởng Công Thương cho biết để tránh thua lỗ của ngành điện trong tương lai, Bộ đang tham mưu Chính phủ sửa đổi Luật Điện lực và dự kiến trình Quốc hội tại kỳ họp vào tháng 10. Trong đó, dự thảo luật này sẽ bổ sung quy định xóa bù chéo giữa các khách hàng sử dụng điện. Giá điện cũng được tính đúng, đủ, tính hết giá thành sản xuất điện, điều độ, vận hành... Dự thảo luật này cũng sửa đổi các quy định để thị trường bán lẻ điện cạnh tranh hình thành, thực hiện tốt hơn.
Bộ trưởng Công Thương: Biểu giá điện mới sẽ giảm bù chéo - Báo VnExpress Kinh doanh
- Sẽ nâng bậc 1 biểu giá điện lên mức 100 kWh (06.01.2022)