Sẽ nâng bậc 1 biểu giá điện lên mức 100 kWh
22/08/2024 06:03 GMT+7
Bộ Công thương đề xuất nâng hạn mức bậc 1 biểu giá điện từ 50 lên 100 kWh, đồng thời tham mưu sửa đổi luật Điện lực theo hướng xóa bù chéo giữa các khách hàng sử dụng điện.
Ngày 21.8, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 36, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành chất vấn các bộ trưởng và trưởng ngành. Các lĩnh vực được chất vấn gồm: NN-PTNT, công thương, VH-TT-DL, tư pháp, nội vụ, an ninh trật tự - an toàn xã hội, thanh tra, tòa án và kiểm sát.
Nâng hạn mức bậc 1 biểu giá điện
Chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương, đại biểu (ĐB) Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng việc tính giá điện bậc thang như hiện nay là chưa phù hợp với nhu cầu của người dân, nhất là bậc 1 chỉ có 50 kWh dùng cho sinh hoạt. Ông Hòa kiến nghị nâng hạn mức lên 100 kWh.
Theo biểu giá điện hiện nay, bậc 1 từ 0 - 50 kWh
Ảnh: Ngọc Dương
Hồi đáp ĐB, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên nói biểu giá điện bậc thang là mô hình phổ biến của tất cả các quốc gia, nhằm khuyến khích khách hàng sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, đồng thời nâng cao trách nhiệm xã hội trong bảo vệ môi trường.
Hiện nay, biểu giá điện của Việt Nam gồm 6 bậc, trong đó bậc 1 từ 0 - 50 kWh. Bộ Công thương đã trình Chính phủ dự thảo quy định về biểu giá bán lẻ điện mới. Theo dự thảo, số bậc giảm từ 6 xuống còn 5, bậc 1 được nâng hạn mức lên 100 kWh, "đúng như ĐB mong muốn". Một số ngành sản xuất cũng sẽ được điều chỉnh cho tương xứng với biểu giá trong lĩnh vực dịch vụ và sinh hoạt, để bảo đảm không bù chéo giữa các đối tượng sử dụng điện.
ĐB Huỳnh Thanh Phương (đoàn Tây Ninh) dẫn ý kiến của cử tri và nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng việc điều hành giá điện đang có nhiều bất cập, là một trong những nguyên nhân gây thua lỗ cho ngành điện hơn 47.000 tỉ đồng trong năm 2022 - 2023. "Bộ trưởng có đồng tình với ý kiến trên, có giải pháp tháo gỡ nào để việc điều hành giá điện tốt hơn?", ĐB Phương chất vấn.
Bác bỏ quan điểm trên, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định công tác quản lý về giá điện đã tuân thủ đúng quy định, nhất là luật Điện lực và luật Giá. Theo ông Diên, điện là một trong những mặt hàng phải đảm bảo bình ổn giá, Tập đoàn Điện lực VN (EVN) là đơn vị duy nhất có chức năng mua bán, cung ứng điện, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Vì thế, giá điện mua vào thì theo cơ chế thị trường, nhưng đầu ra lại phải bình ổn giá, dẫn tới có sự chênh lệch, có thời điểm chênh từ 208 - 216 đồng/kWh.
Để tạo cơ chế giúp EVN không thua lỗ trong tương lai, Bộ Công thương đang tham mưu Chính phủ sửa đổi luật Điện lực, theo hướng xóa bù chéo giữa các khách hàng sử dụng điện; đồng thời tính đúng, tính đủ, tính hết giá thành điện. Chính phủ cũng đã quyết định đưa Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) về trực thuộc Bộ Công thương, nhằm đảm bảo sự minh bạch, công bằng trong việc vận hành, điều độ hệ thống điện giữa các đơn vị phát điện và sử dụng điện… Những giải pháp này sẽ từng bước làm cho thị trường điện hoàn thiện hơn.
Câu trả lời "đắng lòng" Bộ trưởng
Chất vấn Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan, ĐB Điểu Huỳnh Sang (đoàn Bình Phước) phản ánh việc phát triển và bảo vệ nhãn hiệu, thương hiệu các nông sản chủ lực của nước ta hiện nay chưa thật hiệu quả. Bà cho hay hiện nay sầu riêng được cấp mã vùng trồng, song không có sự khác biệt nào giữa giá sầu riêng có mã và không có mã, gây ảnh hưởng tới quyền lợi của người dân. Nữ ĐB đề nghị bộ trưởng nêu giải pháp bảo đảm giá trị thương hiệu nông sản như điều, sầu riêng, ổn định vùng nguyên liệu.
Hồi đáp ĐB, Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan cho biết ông từng về H.Bù Đăng (tỉnh Bình Phước), đứng trên một vườn trồng điều và nhìn phía bên kia vườn, thấy bà con đang đốn điều để trồng sầu riêng.
"Tôi hỏi bà con, điều là cây gắn bó bao đời với vùng Bình Phước, tại sao bà con nỡ chặt bỏ cây để trồng sầu riêng ? Bà con nói với tôi, giờ trồng sầu riêng thu nhập 1 tỉ đồng/ha, còn trồng điều 35 - 40 triệu, ông nghĩ chúng tôi nên thế nào ?", Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ và nói đó là câu trả lời "rất đắng lòng", có những vấn đề từ thực tiễn khiến bản thân ông suy nghĩ rất nhiều.
Nói về giải pháp, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh bộ này đang cùng với Bộ Công thương phối hợp xây dựng thương hiệu của nông sản. Muốn vậy, chúng ta phải có vùng nguyên liệu tập trung để có những sản phẩm đồng đều, quy chuẩn hóa các nông sản chủ lực, xây dựng thiết chế bảo vệ hình ảnh nông sản VN trên thị trường quốc tế.
Cạnh đó, để bảo vệ giá trị nhãn hiệu, thương hiệu nông sản như sầu riêng, theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, phải xây dựng quy chuẩn, phải có hiệp hội ngành hàng, phải có sự liên kết giữa bà con nông dân và các hiệp hội, doanh nghiệp.
Cho biết vừa ký nghị định thư thứ hai để mở thêm cánh cửa xuất khẩu các sản phẩm từ sầu riêng sang Trung Quốc, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói đây là niềm vui nhưng cũng "kích hoạt" nhiều vấn đề. Ông nhấn mạnh muốn đưa sầu riêng thành sản phẩm quốc gia, phải có thiết chế quốc gia để điều chỉnh, có chính sách chung về khoa học công nghệ, đầu tư hạ tầng nếu muốn đi xa.
Về giải pháp hỗ trợ tiêu thụ nông sản, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh yêu cầu chuẩn hóa đối với hàng hóa nông sản là vấn đề lớn đối với nền nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ, tự phát như ở nước ta hiện nay. "Chúng ta không thể nói vấn đề tiêu thụ nếu hàng hóa của chúng ta không theo được các tiêu chuẩn của thị trường. Do đó, cần quan tâm đến vấn đề cấp mã số, vùng trồng, vùng nuôi", ông Hoan nhấn mạnh.
Có nên bỏ thuế VAT với tiền điện ?
ĐB Phạm Văn Hòa cho rằng điện và nước là 2 dịch vụ "không thể không sử dụng", bao gồm cả người nghèo; thế nhưng người dân tiêu thụ điện và phải trả thêm mức thuế VAT 10% là chưa hợp lý. Ông đề xuất bãi bỏ loại thuế này trong hóa đơn tiền điện.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, thuế là nguồn thu chủ yếu của ngân sách nhà nước, có thu thuế thì mới đảm bảo được nguồn tài chính công, trang trải cho hoạt động của bộ máy tổ chức, an sinh xã hội… Do vậy, việc giảm thuế để giải quyết một vấn đề liên quan đến giá cả sẽ là không hợp lý. Riêng với biểu giá điện bán lẻ, hiện Việt Nam quy định có 6 bậc, trong đó ưu tiên đối với gia đình nghèo, gia đình chính sách bằng việc miễn phí 30 kWh đầu tiên.
Đồng quan điểm, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cũng cho rằng không nên bỏ thuế VAT trong hóa đơn tiền điện, nhằm áp dụng thống nhất quy định về thuế và bảo đảm công bằng với các loại hàng hóa, dịch vụ khác. Việc cần làm là tăng cường tuyên truyền, giải thích để người dân hiểu rõ về chính sách thuế, nhất là thuế VAT với tiền điện; đồng thời tiếp tục nghiên cứu các chính sách hỗ trợ người dân, trường hợp cần thiết có thể nâng hạn mức hỗ trợ tiền điện cho người nghèo.
Có biểu hiện "lợi ích nhóm" trong xây dựng văn bản pháp luật
Tại phiên chất vấn, Phó giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM Nguyễn Thị Hồng Hạnh gửi câu hỏi tới Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long rằng thời gian qua có tình trạng lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật hay không ?
Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp nói "không đủ cơ sở để khẳng định có hay không", nhưng qua các vụ án tham nhũng, kinh tế, kết luận về các vụ việc vi phạm do cơ quan thanh tra, kiểm tra ban hành, cũng như thông tin tiếp cận được, ông thấy rằng "có biểu hiện đó", còn mức độ đến đâu thì "không dám khẳng định".
Theo Phó thủ tướng, xây dựng pháp luật là một công trình tập thể, trải qua nhiều giai đoạn khác nhau. Muốn xác định lỗi của ai thì phải cá thể hóa, gắn với quan hệ nhân quả, chứng minh được yếu tố vụ lợi.
Sau khi Bộ Chính trị ban hành Quy định số 178 về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp đã tham mưu Chính phủ quán triệt kỹ, đồng thời sẽ hiện thực hóa các giải pháp trong dự án luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) tới đây.